Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng

Có cầu Đại Ngãi, thêm cơ hội cho các tỉnh ven biển miền Tây

Cầu Đại Ngãi nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng sẽ khởi công vào tháng 10-2023. Đầu năm 2024 sẽ khởi công cầu Ba Lai 8 và đường ven biển qua tỉnh Bến Tre. Hành lang kinh tế mới sẽ mở ra cho ĐBSCL với những công trình này.

Hiện từ Sóc Trăng đi Trà Vinh theo quốc lộ 60 phải qua chuyến phà, nên người dân mong mỏi cầu Đại Ngãi sớm được khởi công Ảnh: KHẮC TÂM

Có cây cầu bắc qua sông Hậu nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng để thoát cảnh "lụy đò" đã từng là ước mơ trăm năm với người dân miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là người dân sống hai bên bờ sông Hậu thuộc hai tỉnh này.

Đường xa sẽ hóa gần

Cầu Đại Ngãi là công trình chiến lược cho trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL, có cầu này sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM so với đi trên tuyến quốc lộ 1 hiện nay. 

Lần này, cầu Đại Ngãi đã được ấn định ngày khởi công vào tháng 10-2023, bao người dân vui mừng với tin này.

Bà Trần Ngọc Lan (sống ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết người dân ven biển đã hàng chục năm trông chờ tin cầu Đại Ngãi khởi công. Đường quốc lộ Nam Sông Hậu đã thông với quốc lộ 60 đi Trà Vinh, Bến Tre và TP.HCM nhưng lại "tắc" bởi hai chuyến phà.

"Từ Sóc Trăng đi theo quốc lộ 60 qua Trà Vinh không xa, nhưng thời gian chờ đợi bốn lượt phà đi về đã mất nửa ngày. Sắp tới có cầu Đại Ngãi, không còn cảnh chờ đợi phà nữa, tui và người dân ở Sóc Trăng mừng lắm, ngủ không được luôn", bà Lan chia sẻ.

Theo ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, thông tin cầu Đại Ngãi sắp khởi công thu hút sự quan tâm của người dân, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. 

"Giao thông kết nối, vận chuyển hàng hóa dễ hơn. Các doanh nghiệp sẽ cởi bỏ tâm lý ngán ngại đường xa cách trở và chi phí vận chuyển tăng cao để mạnh dạn đầu tư vào các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, cần đầu tư mở rộng những đoạn còn hẹp trên quốc lộ 60 đến cầu Rạch Miễu, để xe container vận chuyển hàng hóa được thuận lợi", ông Lực kỳ vọng.

Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết dự kiến trong tháng 10-2023 sẽ khởi công cầu Đại Ngãi. Hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công trước ngày khởi công.

"Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Người dân Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung rất vui, chờ đợi cầu Đại Ngãi khởi công từ nhiều năm nay rồi", ông Lâu cho biết.

Cầu Rạch Miễu 2 đang gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, sẽ kết nối các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ thuận lợi hơn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cầu Đại Ngãi nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, có điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15km, 5 nút giao, 7 cầu; trong đó có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ban Quản lý dự án 8 (Bộ Giao thông vận tải) được giao làm đại diện chủ đầu tư.

Cơ hội cho các tỉnh ven biển

Cầu Đại Ngãi là nút giao thông quan trọng trên tuyến đường ven biển. Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, áp lực giao thông trên quốc lộ 1 được giải tỏa.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Lâu, cây cầu này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao khi các khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, Mỹ Thanh, Vĩnh Châu... đi vào hoạt động, tăng khả năng đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.

"Không chỉ riêng Sóc Trăng hay Trà Vinh, khi có cầu Đại Ngãi, giao thông được kết nối liên hoàn, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực ĐBSCL, góp phần tiêu thụ hàng hóa, nông sản và giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân", ông Lâu cho biết.

Tới đây, người dân từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nhanh chóng và thuận tiện hơn khi qua sông Hậu bằng cầu Đại Ngãi, sang Trà Vinh sẽ theo quốc lộ 54, quốc lộ 60 và qua sông Tiền bằng cầu Rạch Miễu và cầu Rạch Miễu 2 để đi về TP.HCM.

Hiện nay, cầu Rạch Miễu 2 cũng đang được gấp rút thi công. Ông Đặng Ngọc Minh - giám đốc dự án cầu Rạch Miễu 2 - cho biết hiện các đơn vị đang tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư để đẩy nhanh tiến độ ở những nơi đã được bàn giao mặt bằng. Theo ông Minh, đến nay các gói cầu chính dây văng đã hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi của các trụ tháp và trụ neo.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tam - chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết nếu thuận lợi trong kết nối tài chính với Ngân hàng Hàn Quốc thì dự kiến trong quý 1-2024 sẽ khởi công cầu Ba Lai 8, đồng thời sẽ khởi công đường ven biển đoạn qua tỉnh Bến Tre.

"Tỉnh Bến Tre cũng đã quy hoạch đường kết nối giữa trung tâm thành phố Bến Tre với đường ven biển (gọi là đường động lực nội tỉnh) để phát huy tối đa đường ven biển mở ra hành lang kinh tế mới cho địa phương", ông Tam cho hay.

Theo đó, đường ven biển đoạn qua Bến Tre cũng đang được các cơ quan chức năng ráo riết chuẩn bị thực hiện.

Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã có tờ trình gửi liên bộ (Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính) về việc đề xuất xây dựng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Theo đó, tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài dự án khoảng 25,2km với tổng mức đầu tư dự án hơn 7.905 tỉ đồng sử dụng nguồn vốn đầu tư từ khoản vay hỗ trợ bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và ngân sách tỉnh đối ứng.

Dự án tuyến đường ven biển miền Tây được phê duyệt tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng chiều dài 740km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. 

Chung cư nhà ở xã hội Nam Long 2 quy mô hơn 1.600 căn hộ sẽ hoàn thành từ quý III-2024

Chung cư nhà ở xã hội Nam Long 2, thuộc dự án khu dân cư Nam Long 2, Lô 9A - Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ (ảnh).


Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long - Chi nhánh Cần Thơ được Sở Xây dựng TP Cần Thơ cấp phép xây dựng 12 công trình thuộc 4 lô đất (tổng diện tích 38.260,69m2) đã được UBND thành phố giao đất (Quyết định giao đất số 267/QĐ-UBND ngày 7-2-2023, tổng diện tích Lô 9A là 369.918,7m2; Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất).

Cụ thể: Lô F3 (đơn nguyên A, B, C, D), cao 6 và 9 tầng, diện tích đất 14.599m2; Lô G2 (đơn nguyên E, F, G), cao 6 và 9 tầng, diện tích đất 11.316m2; Lô H3 (đơn nguyên H, J, K), cao 6 và 9 tầng, diện tích đất 11.359,69m2; Lô H4 (đơn nguyên L), cao 2 tầng, diện tích đất 986m2. Trong đó, số lượng căn hộ để bán thương mại 320 căn; số lượng căn hộ để bán nhà ở xã hội 962 căn; số lượng căn hộ để cho thuê, cho thuê mua 320 căn; diện tích mỗi căn hộ từ 38-67m2. Thời gian hoàn thành công trình trong vòng 48 tháng.

Ông Quách Kim Đông, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long - Chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Hiện nay công ty đang triển khai xây dựng 6 block nhà, gồm 4 đơn nguyên cao 9 tầng và 2 đơn nguyên cao 4 tầng, với tổng số căn hộ 919 căn. Từ nay đến 31-12-2023, khách hàng có thể đến Công ty để đăng ký mua nhà (đối tượng mua nhà theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ), giá bán (chưa bao gồm VAT) đối với nhà ở xã hội là 15,8 triệu đồng/m2; nhà ở thương mại là 18 - 22 triệu đồng/m2; giá cho thuê là 70.000 đồng/m2/tháng. Công ty sẽ hoàn thiện 6 block nhà của giai đoạn đầu và bàn giao cho khách hàng vào quý III năm 2024.

Tin, ảnh: Thiện Khiêm

Sóc Trăng khởi động nghiên cứu tiền khả thi làm cảng Trần Đề

Cảng Trần Đề sẽ có 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200m, trong đó có 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề - Ảnh: KHẮC TÂM

Ngày 11-7, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết đã ký quyết định giao nhiệm vụ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng.

Theo ông Lâu, bến cảng Trần Đề đóng vai trò thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất trong vùng; đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường biển; đảm nhận vai trò trung chuyển than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực, thu hút hàng trung chuyển đi Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong.

"Hiện tỉnh đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào cảng biển Sóc Trăng", ông Lâu cho biết.

Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo theo đúng các quy định hiện hành, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.

Các sở, ngành liên quan và UBND huyện Trần Đề theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho Sở Giao thông vận tải tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng theo mục tiêu đề ra và đúng quy định.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đề xuất của tỉnh Sóc Trăng, đến năm 2030, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200m, trong đó có 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT. 

Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30-35 triệu tấn/năm, diện tích cảng rộng 1.400ha. Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ, cầu dẫn vượt biển dài 18km.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng trong việc ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư khu bến cảng Trần Đề, làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt.

Thống đốc: 'Đã có ngân hàng cho vay gói nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng'

Có 24 dự án nhà ở xã hội được công bố và một số nhà băng bắt đầu cho vay gói 120.000 tỷ, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thông tin này được bà Hồng chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, ngày 4/7.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 15 dự án nhà ở xã hội của Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh được công bố, trong đó, có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, ba địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố 9 dự án nhà ở xã hội.

"Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án sẽ được các tổ chức tín dụng cho vay", Thống đốc nói. Đến nay, bà cho biết đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank bắt đầu cho vay gói tín dụng này.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: SBV

Gói tín dụng 120.000 tỷ đã triển khai từ đầu tháng 4 nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường. Tuy nhiên, tới nửa đầu năm nay, theo Bộ Xây dựng vẫn chưa có dự án nào để cho vay. Do các địa phương lúc đó đang trong quá trình tổng hợp, công bố dự án nằm trong nhóm được vay. Bên cạnh đó, các dự án hầu hết mới chỉ trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.

Tại hội nghị, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết tính đến hết tháng 5, tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản tăng 14% so với đầu năm, cho thấy những giải pháp gỡ khó thị trường bắt đầu có tác dụng.

Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản 5 tháng lại giảm 1,3% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Điều này cho thấy nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư. Việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá bất động sản, theo Thống đốc, là những giải pháp thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực này.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất theo bà Hồng đã trở về mức trước dịch Covid-19, sau các nỗ lực liên tiếp hạ lãi suất điều hành thời gian qua. Bà cho biết, Ngân hàng Nhà nước là số ít ngân hàng trung ương giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất).

Hiện tại, nhà điều hành cũng chỉ đạo các nhà băng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đến nay các ngân hàng đã thực hiện với 2.800 khách hàng.

"Ngân hàng Nhà nước cũng đang xem xét và sớm thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng thời gian tới, theo chỉ đạo của Thủ tướng", Thống đốc thông tin.

Quỳnh Trang

Đặt tên và đổi tên 54 tuyến đường ở 5 quận, huyện thuộc TP Cần Thơ

UBND TP Cần Thơ trình HĐND TP thông qua việc đặt, đổi tên 54 tuyến đường tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, huyện Thới Lai và Phong Điền.

UBND TP Cần Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND TP về việc quy định đổi tên hai tuyến đường và đặt tên 52 tuyến đường trên địa bàn TP.

Trung tâm TP Cần Thơ. Ảnh minh họa: NHẪN NAM

Theo đó, quận Ninh Kiều sẽ đổi tên một tuyến đường và đặt tên cho 20 tuyến đường.

Cụ thể, đường Phạm Hồng Thái đổi thành đường Ngô Hữu Hạnh, giới hạn từ đường Hòa Bình đến đường Lý Thường Kiệt, khu vực 1, phường Tân An (đặt nối tiếp với đường Ngô Hữu Hạnh hiện hữu).

20 tuyến đường được đặt tên mới, trong đó phường An Khánh có đường Phan Anh (tên tạm gọi hiện nay là đường Bờ Hồ Búng Xáng), đường Bùi Văn Hoành (đường Lò mổ), đường Phạm Hoàng Hộ (đường Khu Nhà ở Cán bộ giáo viên Trường Đại học Cần Thơ).

Nhiều tuyến đường tạm đánh số tại các khu dân cư Thới Nhựt 1, 2 và khu TĐC dự án nâng cấp đô thị, khu dân cư Hồng Quang tại phường này sẽ được đặt tên mới như đường Võ Minh Khai (đường 5A), đường Nguyễn Văn Hưởng (đường 6A), đường Nguyễn Sáng (Hẻm liên tổ 12-20), đường Đào Tấn (đường số 1).

Đường Lư Văn Luận (đường số 3), đường Nguyễn Văn Tạo (đường số 5), đường Nguyễn Đức Thuận (đường số 6), đường Trần Hữu Trang (đường số 25), đường Quốc Thanh (đường số 26), đường Nguyễn Thị (đường số 27), đường Nguyễn Văn Nguyễn (đường số 28), đường Phạm Huy Thông (đường số 21), đường Nguyễn Văn Nết (đường số 14), đường Nhất Chi Mai (đường số 15).

Phường Xuân Khánh có đường Đoàn Giỏi (đường cặp hông trường Đại học Cần Thơ).

Phường An Hòa có đường Võ Hồng Quang (hẻm 188 đường Nguyễn Văn Cừ).

Phường An Bình có đường Võ Thị Hạnh (đường KDC Hàng Bàng).

Quận Cái Răng đặt tên 18 đường, trong đó, phường Hưng Thạnh có đường Lê Trọng Tấn (đường vào Thành Đội - đường số 6).

Phường Phú Thứ có đường Lục Sĩ Thành (đường 2B).

Phường Tân Phú có đường Nguyễn Hữu Xuyến (đường 1A), đường Nguyễn Thành Thơ (đường vào Cảng Cái Cui);

Phường Hưng Phú, các đường được đánh số trong khu dân cư Hưng Phú 1 dự kiến đặt tên mới như đường Lê Hồng Sơn (đường A2), đường Đoàn Hồng Phước (đường A4), đường Nguyễn Hùng Phước (đường A6), đường Nguyễn Văn Lưu (đường B3).

Đường Nguyễn Bá Thế (đường B4), đường Lê Quốc Sản (đường B5), đường Dương Văn Lộc (đường B8), đường Lê Văn Một (đường B9), đường Trần Hiền Quang (đường B12), đường Ngô Chí Quốc (đường B16), đường Nguyễn Phan Vinh (đường B17), đường Đoàn Văn Chia (B18), đường Nguyễn Văn Hiệu (đường B19), đường Nguyễn Hùng Minh (đường B26).

Đường Đặng Văn Dầy ở quận Bình Thủy dự kiến đổi thành đường Lạc Long Quân. Ảnh: NHẪN NAM

Quận Bình Thủy đổi tên một tuyến đường Đặng Văn Dầy thành đường Lạc Long Quân, giới hạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Võ Văn Kiệt.

Bảy đường đặt tên mới tại các phường Bùi Hữu Nghĩa có đường Nguyễn Thị Tồn (hẻm 444 Cách mạng tháng 8), đường Nguyễn Thanh Sử (đường số 1, số 2, số 6 khu dân cư An Thới).

Phường Long Hòa có đường Huỳnh Phan Hộ (đặt tiếp nối với đường Huỳnh Phan Hộ hiện hữu).

Phường Long Tuyền có đường Tô Vĩnh Diện (đặt tiếp nối đường Tô Vĩnh Diện hiện hữu, đường Trại Giam - Nguyễn Văn Trường).

Phường Bình Thủy, một số đường trong KDC Ngân Thuận được đánh số giờ đặt tên mới như đường Đỗ Trọng Văn (đặt tiếp nối đường Đỗ Trọng Văn hiện hữu, đường số 13), đường Đặng Văn Dầy (đường số 01), đường Đặng Thùy Trâm (đường số 44)

Huyện Thới Lai đặt tên bốn đường tại thị trấn Thới Lai gồm đường Lê Thị Cầm (đường số 4), đường Phan Văn Riệng (đường số 5), đường Lê Văn Thiêm (đường số 10), đường Đặng Vũ Hỷ (đường Thới Lai - Đông Bình).

Huyện Phong Điền đặt tên ba đường tại thị trấn gồm đường Điêu Huyền (đường số 13), đường Trương Duy Toàn (đường số 14), đường Trần Bá Liễng (đường số 4).


Kiên Giang có thể xây sân bay trên hải đảo nhân tạo ở Vịnh Rạch Giá

Tỉnh Kiên Giang dự kiến di dời sân bay Rạch Giá từ đất liền ra Vịnh Rạch Giá, quy hoạch ba sân bay thủy phi cơ ở Phú Quốc và các khu lấn biển.

Theo hồ sơ dự thảo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được cập nhật, công bố gần nhất vào tháng 3 vừa qua), tỉnh này dự kiến có 5 sân bay, trong đó có ba sân bay thủy phi cơ. Riêng sân bay Rạch Giá sẽ được di dời ra khu vực lấn biển.

Cụ thể, Kiên Giang có hai sân bay hiện hữu được cập nhật theo Quy hoạch thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Rạch Giá và Phú Quốc. 

Sân bay Rạch Giá Quy hoạch tiêu chuẩn cấp 3C, diện tích đất dự kiến 200 ha; công suất thiết kế đến năm 2030 đạt 0,5 triệu hành khách/năm. Sân bay này đảm bảo khai thác cho các loại máy bay tương đương Airbus 576 A321. Giai đoạn đến năm 2050, sân bay này được di dời ra khu vực lấn biển với quy mô khai thác đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.

Vị trí dự kiến làm Sân bay Rạch Giá ở khu vực Vịnh Rạch Giá. (Nguồn: Dự thảo Bản đồ Phương án phát triển kết cấu hạ tầng GTVT Kiên Giang).

Phối cảnh dự kiến sân bay Rạch Giá ở khu lấn biển. (Nguồn: Dự thảo quy hoạch Kiên Giang cập nhật năm 2022).

Căn cứ theo hồ sơ dự thảo thì vị trí đặt sân bay Rạch Giá mới sẽ ở khu vực Vịnh Rạch Giá, thuộc huyện An Biên, cách sân bay Rạch Giá hiện tại hơn 10 km theo đường chim bay. Để xây dựng sân bay này sẽ cần lấn biển tạo đảo nhân tạo và các đường kết nối với bờ biển.

Trước đó, tại hồ sơ dự thảo quy hoạch được cập nhật tháng 7/2022, đơn vị lập quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sân bay Rạch Giá hiện hữu có một số hạn chế như: Vị trí nằm trong khu vực dân cư đông đúc, khó nâng cấp mở rộng, hiện tại chỉ tiếp nhận được các dòng máy bay ATR 72, FK 70 và các loại tàu bay có tải trọng khai thác tương đương trở xuống.

Do đó, để đáp  ứng  nhu cầu đi lại đường hàng không, tương lai cần thiết phải di dời sân bay sang vị trí mới đáp ứ ng được nhu cầu nâng cấp, mở rộng và đảm bảo khoảng cách khu vực trung tâm thành phố theo quy định.

Sân bay mới sẽ tiếp nhận được các loại máy bay Airbus 320 trở lên. Thời gian di chuyển sân bay dự kiến là sau năm 2030. 

Đối với sân bay Phú Quốc, quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 905,31 ha, một đường băng, công suất thiết kế đạt 10 triệu hành khách/năm. Quy hoạch đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 915,56 ha, hai đường băng, công suất thiết kế đạt 18 triệu hành khách/năm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, phát triển ngành du lịch của tỉnh, dự thảo quy hoạch đề xuất định hướng đến năm 2050 phát triển mới ba sân bay thủy phi cơ tại ba đô thị của tỉnh là thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.

Cụ thể, sân bay thủy phi cơ Rạch Giá được đề xuất đặt tại khu lấn biển Tây Bắc Rạch Giá. Sân bay thủy phi cơ Hà Tiên dự kiến đặt tại khu lấn biển theo quy hoạch chung TP Hà Tiên đến năm 2040.  Sân bay thủy phi cơ Phú Quốc được đề xuất đặttại khu vực Cầu cảng Quốc tế Phú Quốc.

Cả ba sân bay này đều có chức năng phục vục công tác du lịch, vận tải, nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, quan sát lâm nghiệp trong việc trồng rừng), y tế - cứu hộ và các lĩnh vực khác (nghiên cứu đo đạt bản đồ, thông tin địa lý).

Dự án chung cư Nhịp Điệu Xanh - Dream House sẵn sàng khởi động

Ngày 20-6-2023, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã ban hành Thông báo số 1844/SXD-QLXD, về việc thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng chung cư Nhịp Điệu Xanh - Dream House do Công ty CP Kiến trúc Nhịp Điệu Xanh làm chủ đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chủ đầu tư sẵn sàng khởi động thi công, xây dựng dự án và kịp thời đưa dòng sản phẩm căn hộ chung cư ra thị trường. Nhịp Điệu Xanh - Dream House hứa hẹn mang đến làn gió mới cho phân khúc chung cư thương mại cho khu vực Nam Cần Thơ nói riêng và cho TP Cần Thơ nói chung, đáp ứng nhu cầu ở và đầu tư của người dân, doanh nghiệp.


Kết nối đồng bộ

Dự án chung cư Nhịp Điệu Xanh - Dream House do Công ty CP Kiến trúc Nhịp Điệu Xanh làm chủ đầu tư đã được UBND TP Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 2985/QĐ-UBND, ngày 18-8-2022 với quy mô xây dựng từ 13 tầng. Đến ngày 13-1-2023, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 83/QĐ/UBND về chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của dự án chung cư Nhịp Điệu Xanh – Dream House đối với nhà đầu tư là Công ty CP Kiến trúc Nhịp Điệu Xanh tại Quyết định số 83/QĐ/UBND,  UBND TP Cần Thơ đã chấp thuận nội dung sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, sơ bộ phương án đầu tư, xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án. Theo đó, dự án được điều chỉnh quy mô xây dựng  từ 13 tầng thành 1 tầng hầm, 17 tầng nổi. Với diện tích đất 3.083m2, chủ đầu tư dành 53% diện tích để xây dựng công trình, diện tích cây xanh chiếm 26% và diện tích bãi đậu xe chiếm 21%. Sản phẩm dự án gồm 279 căn hộ và 11 shophouse, bao gồm: 1 khối 17 tầng và 1 tầng hầm; các tiện ích khác gồm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà điều hành, bãi đậu xe, cây xanh. Phương án đầu tư xây dựng bãi đậu xe, chỗ đậu xe nằm trong phần diện tích của dự án đảm bảo đủ số lượng chỗ đậu xe và diện tích bãi đậu xe đối với từng loại phương tiện theo quy mô diễn tích, dân số, số lượng căn hộ.  Dự kiến tổng vốn đầu tư của dự án là 320 tỉ đồng. Trong đó, phần vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư 64 tỉ đồng tương đương 20% tổng vốn đầu tư, phần vốn huy động từ tổ chức tín dụng 256 tỉ đồng), tương đương 80% tổng vốn đầu tư.

Chia sẻ cụ thể hơn về sản phẩm căn hộ chung cư, chủ đầu tư cho biết: Ở phần đế công trình sẽ dành bố trí 11 căn shop house kết cấu theo hình thức 1 trệt, 2 lầu, diện tích mỗi căn shop house khoảng 150m2. Từ tầng 3 đến tầng 17 sẽ bố trí căn hộ dạng 1 phòng ngủ (40m2), 2 phòng ngủ (từ 50-67m2), 3 phòng ngủ (từ 83-90m2). Trong chung cư sẽ bố trí các không gian mở, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tập gym, yoga… Liền kề khu chung cư còn có 1 công viên diện tích khoảng 3.000m2 thuộc dự án Nam Long - Hồng Phát. Bên cạnh đó, các tiện ích nội khu như trường học, siêu thị, bệnh viện, cửa hàng tiện ích, hồ cảnh quan chỉ cách chung cư trong vòng bán kính 3-5km. Đây cũng là khu vực có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt, khu vực phát triển thương mại dịch vụ sầm uất của quận Cái Răng nói riêng và TP Cần Thơ nói chung. Đặc biệt, ngày 28-4-2023, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô tại quận Cái Răng. Về tính chất lập quy hoạch, đây là khu hành chính tập trung TP Cần Thơ và Trung tâm Văn hóa Tây Đô TP Cần Thơ. Bao gồm: hệ thống công sở cấp thành phố; trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố; các công trình văn hóa; công trình dịch vụ - thương mại gắn với hoạt động khu hành chính - văn hóa; không gian công cộng đô thị; đầu mối giao thông công cộng đô thị. Do đó, các chủ nhân tương lai của dự án chung cư Nhịp Điệu Xanh sẽ tận hưởng đầy đủ những tiện ích sống hiện đại khi các công trình cấp thành phố đầu tư tại đây.


Hòa nhịp phát triển

Tốc độ đô thị hóa của TP Cần Thơ diễn ra ngày càng nhanh chóng, giá đất nền, nhà ở riêng lẻ trong các khu đô thị ngày một tăng. Do đó, phân khúc căn hộ chung cư có giá từ 1,5 - dưới 2 tỉ đồng được xem là sản phẩm đầy tiện ích, kinh tế, phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ tuổi, khách hàng có nhu cầu sở hữu căn nhà đầu tiên để ở. Theo bà Võ Thị Viên, Phó Giám đốc Công ty CP Kiến trúc Nhịp Điệu Xanh, để mang đến sự hài lòng cũng như chinh phục khách hàng yên tâm an cư, đội ngũ kiến trúc sư của công ty đặc biệt chú trọng đến kiến trúc tổng thể của tòa nhà và tiện ích trong từng căn hộ, hoàn thiện thiết kế nội thất cơ bản, thiết yếu bên trong căn hộ. Trong quá trình đầu tư, hoàn thiện từng giai đoạn của dự án, công ty cũng sẽ liên kết với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ khách hàng được tiếp cận nguồn vốn phù hợp để sở hữu sản phẩm từ dự án, được giải ngân vay vốn mua căn hộ theo tiến độ khi dự án đảm bảo đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của ngành chức năng. Bà Viên nhấn mạnh: Đối với dự án chung cư Nhịp Điệu Xanh, chủ đầu tư gửi gắm kỳ vọng sẽ tạo sự khác biệt bằng những lợi thế như: công năng đa dạng, kiến trúc hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện, hạ tầng kết nối đồng bộ, giá bán hợp lý… Từ đó góp phần làm sôi động thị trường căn hộ chung cư còn mới mẻ và còn nhiều dư địa để khai thác ở TP Cần Thơ. Ngay khi nhận giấy phép xây dựng chủ đầu tư quyết tâm triển khai ngay dự án để sớm đưa sản phẩm ra thị trường trong năm 2024.

Đại diện Công ty CP Kiến trúc Nhịp Điệu Xanh khẳng định: Công ty sẽ triển khai khởi công dự án ngay trong quý II-2023 và phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác, bàn giao sản phẩm cho khách hàng sau 18 tháng thi công. Với lợi thế có sẵn quỹ đất sạch ở vị trí đắc địa, Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực, triển khai thực hiện hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra để phát huy hiệu quả của dự án. Đồng thời đầu tư xây dựng hoàn thành các hạng mục, công trình theo đúng các loại quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Trong quá trình triển khai thực hiện, Chủ đầu tư cùng đơn vị thi công sẽ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, nhà ở xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, quy định về huy động vốn và kinh doanh bất động sản cùng các quy định có liên quan khác.



Bộ trưởng Xây dựng: Bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho hay Chính phủ thống nhất không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết khi giải trình trước Quốc hội ngày 19/6 về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận đề xuất này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án, một là sở hữu có thời hạn, hai là không.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nghị cho biết Chính phủ thống nhất chọn phương án không quy định thời hạn sở hữu như trong dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến.

Song song đó, cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung về trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong di dời, phá dỡ và đóng góp xây dựng lại. Dự thảo cũng làm rõ trách nhiệm chủ thể có liên quan để làm cơ sở xử lý, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tế.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình trước Quốc hội, ngày 19/6. Ảnh: Hoàng Phong

Thảo luận trước đó, một số đại biểu Quốc hội cũng đồng tình phương án duy trì chung cư sở hữu dài hạn. Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng chung cư tuổi thọ càng cao, hiệu quả kinh tế với xã hội càng lớn. Ông Nghĩa cho hay, ở nước ngoài có những chung cư hàng trăm năm và những nơi này "làm nên hồn cốt của đô thị đó".

Ông ví dụ, tại Singapore nhà ở thương mại có thể sở hữu lên đến hàng trăm năm nhưng khi thời hạn an toàn không bảo đảm, các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại nhà cũ để duy tu, sửa chữa, xây mới.

Vì thế, ông Nghĩa đề nghị có phương án duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, bên cạnh sở hữu có thời hạn. Cùng đó, để người dân được lựa chọn giữa chung cư có thời hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu đề nghị quy định thời hạn sở hữu nhà theo thời hạn công trình thiết kế, để tránh tranh chấp, thuận lợi cho cải tạo chung cư cũ. Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng chung cư cũ hiện nay thấp tầng, phá dỡ xây cao tầng lên mới có mức sinh lợi, thu hút nhà đầu tư. Hiện cải tạo chung cư cũ vướng, do nguyên nhân xuất phát từ việc nhà chung cư được sở hữu không thời hạn.

Nhưng tương lai tất cả chung cư đều là cao tầng, khi phá dỡ không còn hệ số sinh lời nữa, lúc đó không nhà đầu tư nào dại gì bỏ tiền vào. Người dân ở nhà đó phải tự bỏ tiền ra cải tạo, sửa nếu muốn có nhà mới để ở. Tức là, đến một lúc nào đó nhà chung cư cao tầng khó có thể cải tạo, kể cả hết niên hạn.

Do đó, quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, theo Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, sẽ tránh tình trạng khó khăn phá dỡ, cải tạo chung cư cũ khi "một vài người không đồng tình vì đó là nhà thuộc sở hữu của họ".

Dự kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp 6, cuối năm 2023.

Giải mã "thỏi nam châm" chợ du lịch Xà No thu hút giới thương nhân và đầu tư

Từ bao đời nay chợ luôn là nơi diễn ra giao thương buôn bán tấp nập nhất ở khắp Nam Kỳ Lục tỉnh. Hiện tại chợ truyền thống còn đóng vai trò là điểm đến du lịch, nơi thể hiện được bản sắc văn hóa của người dân địa phương rõ nét nhất. Điều này lý giải vì sao các khu như chợ nổi Phụng Hiệp, Cái Răng hay Chợ Du Lịch Xà No lại được địa phương quan tâm và mong muốn đầu tư phát triển mạnh.

Cú hít hạ tầng đánh thức cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Giai đoạn 2021 – 2025 chứng kiến cú chuyển mình ngoạn mục của các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ. Với tổng ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm 14% so với cả nước. Nổi bậc trong đó là tuyến cao tốc HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận đã thông xe chính thức từ 27/4/2022; cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ đang trong quá trình xây dựng và dự kiến thông xe vào quý IV 2023.

Công trường cầu Mỹ Thuận 2 sáng đèn về đêm để kịp tiến độ thông xe

Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi qua địa phận 5 tỉnh: Cần Thơ – Hậu Giang – Bạc Liêu – Kiên Giang – Cà Mau đang giải phóng mặt bằng để kịp bàn giao thi công. Song song đó, tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu hay các cây cầu như Rạch Miễu 2, Đình Khao, Đại Ngãi cũng đang trong giai đoạn xúc tiến triển khai. Tất cả các tỉnh miền Nam những ngày này như đại công trường không ngủ để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 – 2030 cả khu vực ĐBSCL có 1.166km cao tốc.

Tp. Vị Thanh (Hậu Giang) – Hưởng lợi lớn từ hạ tầng miền Nam

UBND Thành phố Vị Thanh xác định du lịch là một trong các thế mạnh để phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập của người dân địa phương. Các đề án phát triển du lịch thành phố được đưa ra trong giai đoạn 2020 – 2025 bao gồm: thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo dựng thương hiệu thành phố gắn liền với văn hóa bản địa. Các sản phẩm du lịch mang yếu tố địa phương như khu vực công viên sông Xà No, Chợ Du Lịch Xà No, bến tàu du lịch Xà No… được kỳ vọng thu hút du khách của Vị Thanh.

Hình ảnh lung linh về đêm tại công viên bờ kè Xà No

Ông Trần Văn Toàn – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư Phát triển PLC Vị Thanh chia sẻ: “Khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung và Tp.Vị Thanh nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Đặc biệt dự án Tổ hợp khách sạn 4 sao và Chợ Du Lịch Xà No sẽ là tuyến đầu thu hút khách du lịch khắp nơi đến trải nghiệm chuỗi du lịch, thương mại, giải trí đặc sắc góp phần thúc đẩy du lịch và thương mại cho vùng đất đầy tiềm năng này.” Được biết trong năm 2020 doanh nghiệp này cũng vừa hoàn thành đề án đầu tư xây dựng khu Chợ Du Lịch Xà No ngay tại trung tâm của Tp. Vị Thanh. Với kỳ vọng mang lại điểm nhấn mới trong công cuộc phát triển du lịch của thành phố phía Tây sông Hậu này.

 Chợ Du Lịch Xà No” – Điểm đến hấp dẫn mới của Tp. Vị Thanh

Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng là điều kiện tiên quyết để khai thác được thế mạnh du lịch của địa phương. Thực hiện theo lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến ở, mua nhà, phát triển được bất động sản, khu đô thị”. Công trình Chợ Du Lịch Xà No là một trong các sản phẩm tâm huyết được cả Tỉnh Hậu Giang lẫn doanh nghiệp dành nhiều nguồn lực phối hợp thực hiện. Khu chợ này sẽ là nơi kinh doanh tiêu chuẩn an toàn và hiện đại cho tất cả tiểu thương. Đồng thời cũng là điểm đến mới dành cho du khách khi về với Vị Thanh.

Một điểm du lịch không thể bỏ lỡ mỗi khi đến Vị Thanh

Khu Chợ Du Lịch Xà No sở hữu vị thế vàng với 4 mặt tiền đường lớn, ngay bên cạnh công viên sông Xà No từ lâu đã là điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh Hậu Giang. Bên trong chợ được thiết kế như một tổ hợp thương mại dịch vụ đầy đủ phân khu tiện ích: hầm giữ xe, khu mua bán đặc sản địa phương, quầy lưu niệm, phố ẩm thực, khu giải trí công nghệ cao… Khi đưa vào hoạt động, Chợ Du Lịch Xà No sẽ là một mắc xích quan trọng trong chuỗi trải nghiệm du lịch thương mại nghỉ dưỡng độc đáo.
Địa điểm kinh doanh lý tưởng cho giới thương gia

Bạn có thể bắt đầu chuyến hành trình của mình trên chiếc tàu men theo con sông Xà No để ngắm nhìn vẻ thanh bình giản dị của dòng sông này. Tàu sẽ cập bến tại khu công viên bờ kè để du khách chụp những tấm ảnh ghi dấu kỷ niệm đẹp với nơi đây. Tiến vào bên trong khu Chợ Du Lịch Xà No, bạn được thỏa sức mua sắm các món đặc sản vùng miền về làm quà; ăn những món ăn ngon được phục vụ bởi chính người dân địa phương; vui chơi hoặc check in tại các quán café đậm chất sông nước. Cùng thưởng thức những Show trình diễn độc đáo mới lạ thể hiện nét văn hóa Nam Bộ nhưng với một phong cách vui tươi hài hước như hài độc thoại, nhạc kịch vui nhộn, … Sau 1 ngày trải nghiệm lý thú, du khách trở về khách sạn xà no để ngắm nhìn toàn cảnh Thành Phố hít thở và tận hưởng cảnh đêm thơ mộng bên dòng Xà No.

Chợ du lịch Xà No mở bán chính thức Kiot kinh doanh giai đoạn 1

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển PLC Vị Thanh vừa ra mắt thị trường 30 căn Kiot thương mại trong tổ hợp thương mại dịch vụ Chợ Du Lịch Xà No. Với chương trình hấp dẫn “An tâm đầu tư – lợi nhuận lâu dài” dành cho Khách hàng bao gồm:

Gói cam kết thuê lại 3 năm và hỗ trợ kinh doanh trong những năm tiếp theo;

Quà tặng “Lộc Vàng Trao Tay” đầy giá trị

Chiết khấu thanh toán lên đến 5%;

Ưu đãi đặc biệt cho tiểu thương, doanh nghiệp và người dân tại Hậu Giang, Cần Thơ.

Để nhận thông tin chi tiết về Tổ hợp thương mại dịch vụ Chợ Du Lịch Xà No và tham quan miễn phí dự án, Quý vị vui lòng liên hệ về Phòng kinh doanh Chủ đầu tư.

Công ty TNHH đầu tư phát triển PLC Vị Thanh
Hotline: 0937 01 17 18

Nhà ở xã hội, giấc mơ người nghèo khó chạm tới

Chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) được kỳ vọng giúp cho những người thu nhập thấp giảm bớt áp lực cuộc sống, nhưng thực tế, với nhiều người, việc mua NƠXH vất vả trăm bề, thậm chí là không thể mua được.

Nhiều năm trở lại đây, tại Hà Nội việc cung không đủ cầu đã khiến nhiều người thu nhập thấp khổ sở trong việc tìm căn nhà cho riêng mình. Bên cạnh những thủ tục pháp lý có phần phức tạp, thì việc xếp số để được nộp hồ sơ mua NƠXH thôi cũng là điều mang tính may rủi.

Thế nhưng, nếu dạo quanh các sàn bất động sản mua bán nhà ở xã hội, thì những người đang sở hữu NƠXH lại không hề phải trải qua những cảnh vất vả, đêm hôm chầu chực nộp hồ sơ khổ sở như vậy. Thậm chí họ còn "nghiễm nhiên" có suất ngoại giao. Nhiều bạn đọc phản ánh với Báo Dân trí rằng NƠXH nhưng lại toàn cho người giàu.

Người dân vạ vật ngày đêm nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội (Ảnh: Hà Phong).

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Thế Anh nêu quan điểm: "Nhà ở xã hội đúng nghĩa là dành cho người thu nhập thấp nhưng thực tế ở ta, nó chỉ dành cho người có tiền. Giá nhà bị đẩy lên khá cao, người thu nhập thấp đâu đủ khả năng mua? Cơ hội mua được đúng giá khó hơn trúng xổ số, chưa kể đến tính minh bạch".

Độc giả có nickname TenMienNgon.com nói vui: "Ngạc nhiên ở chỗ, mỗi khi nhà ở xã hội mở bán là ô tô ở đâu ùn ùn đến xếp hàng mua nhà".

Độc giả Toàn Phạm cho rằng, "Chính sách nhà nước thì tốt đẹp nhưng đi vào cuộc sống thì thật khó, vì thiếu giám sát. Việc thực thi nếu có phát hiện vi phạm thì xử lý cũng rất hời hợt, thật khổ cho người dân".

Độc giả Quang Bui đưa ra phương án: "Nếu thực hiện như sau: nhà ở xã hội không cho tăng giá bán, trước mua sao thì sau này bán cũng như vậy và chỉ được bán lại cho nhà nước thì tôi tin mấy người đầu cơ sẽ chẳng quan tâm nữa, lúc đó thì người nghèo mới thực sự có nhà ở".

Đối tượng nào được mua nhà ở xã hội?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, có 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó ưu tiên những đối tượng sau:

Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

Ngoài những đối tượng nêu trên thì các đối tượng sau cũng được ưu tiên mua nhà ở xã hội đó là:

Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND; Cán bộ, công chức, viên chức; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

Bên cạnh quy định các đối tượng cụ thể được mua nhà NƠXH, căn cứ theo Điều 62 Luật Nhà ở 2014 thì việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội phải đúng quy định của luật này; trong cùng một thời gian, mỗi đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở này chỉ được thuê hoặc thuê mua hoặc mua một nhà ở xã hội. Đối với học sinh tại các trường dân tộc nội trú công lập thì không phải trả tiền thuê nhà ở và các dịch vụ trong quá trình sử dụng.

- Thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm;

- Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Quy định thì rất cụ thể, thế nhưng, trên thực tế, những người hiện đang sở hữu NƠXH lại thường không thuộc các đối tượng trên. Thậm chí, NƠXH được mua đi bán lại nhiều lần và giao dịch bằng hợp đồng ủy quyền.

Theo Dân trí

Cần thí điểm cơ chế đặt hàng làm nhà ở xã hội

Hiện nay, mặc dù có nhiều ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Các chuyên gia cho rằng để nguồn cung phong phú, cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường, có đặt hàng...

Đất có quy hoạch phân khu, quy hoạch chung được đưa vào đấu thầu làm nhà ở xã hội. Ảnh: Hải Nguyễn.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03, sửa đổi Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về Nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.

Thông tư 03 mới bổ sung thêm trường hợp với đất đưa vào đấu thầu nhà ở xã hội khi chưa có quy hoạch chi tiết. Theo đó, loại đất này được cơ quan nhà nước phê duyệt, thì phải thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch phân khu (đối với khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu), hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chung đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu.

Đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật…

Chia sẻ với PV về nội dung mới này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho hay, hiện nay chủ trương của Chính phủ là phát triển nhà ở xã hội, do đó đòi hỏi cơ chế thông thoáng hơn.

Thông tư 03 bổ sung thêm trường hợp đất được xây nhà ở xã hội, tạo cơ chế thuận lợi, hướng tới mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, một doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội nói rằng, khó khăn với doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội hiện nay là giá bán. Quy định, doanh nghiệp chỉ được bán giá lãi 10% là quá thấp so với thời gian triển khai và thực hiện các thủ tục cần thiết.

Ngoài ra, giá vật liệu biến động liên tục, đơn giá định mức ban hành chậm khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, bởi cứ đầu tư là lỗ.

Như vậy, Thông tư 03 đối với doanh nghiệp không có nhiều tác động, chủ yếu là tạo thêm cơ chế để phát triển quỹ đất đấu thầu nhà ở xã hội.

Một số chuyên gia cho rằng, để tạo nguồn cung phong phú cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường, đặt hàng nhà ở xã hội. Quy định khung giá nhà ở xã hội, khi doanh nghiệp cam kết với mức giá Nhà nước đưa ra thì nghiễm nhiên được nhận các ưu đãi.

Như vậy giảm các hiện tượng mua chui, xin cho, giảm các khâu thủ tục hành chính rườm rà cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Ví dụ quy định, giá nhà ở xã hội tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 20 triệu/m2. Như vậy, cứ doanh nghiệp nào bán giá nhà 20 triệu/m2 thì được hưởng những chính sách về nhà ở xã hội về giao đất, giảm thuế... Như thế, doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tính toán thu chi, họ mới mặn mà vào làm loại hình nhà ở này.

Cũng theo ông Điệp, cần quy định tiêu chuẩn hạ tầng xã hội của nhà ở xã hội phải được như nhà ở thương mại.

“Hiện nay nhu cầu để xe của người dân là rất cao nên bắt buộc nhà ở xã hội phải có tiêu chuẩn tầng hầm như nhà ở thương mại... Thực tế, nhiều nhà ở xã hội không có tầng hầm gây hệ quả rất lớn đối với xã hội", ông Điệp nhấn mạnh.

Gần 57.000 công nhân tại Cần Thơ có nhu cầu về nhà ở

Toàn TP Cần Thơ có 87.136 công nhân (CN) và người lao động (NLĐ). Thống kê cho thấy, có đến 56.638 CN, NLĐ (chiếm tỉ lệ 65%) có nhu cầu về nhà ở.

Mới đáp ứng khoảng 3,8% nhu cầu nhà ở xã hội

Nhiều công nhân lao động trên địa bàn TP Cần Thơ mong muốn, tới đây được đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân; chính sách nhà ở, nhà trọ cho công nhân, xây dựng nhà giữ trẻ ở khu công nghiệp.

Về vấn đề nêu trên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường khẳng định, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, CN&NLĐ đang ở trọ và đang làm việc tại các khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở.

Chung cư nhà ở xã hội An Phú (phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ). Ảnh: Tạ Quang

Theo ông Trường, toàn TP có 87.136 CN&NLĐ. Qua thống kê, có đến 56.638 CN&NLĐ (chiếm tỉ lệ 65%) có nhu cầu về nhà ở. TP đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp với quy mô 2.459 căn, đáp ứng khoảng 3,8% nhu cầu nhà ở xã hội của toàn TP.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở lưu trú cho công nhân khu công nghiệp nói riêng, Chủ tịch UBND TP cho biết, đã sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để triển khai dự án nhà ở xã hội tại khu Thiết chế Công đoàn Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: Tạ Quang

Ngoài ra, khẩn trương hoàn thành xây dựng đề án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố trong quý II năm 2023 theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. TP Cần Thơ được giao chỉ tiêu hoàn thành 9.100 căn nhà ở xã hội (Giai đoạn 2022 - 2025 là 4.100 căn và giai đoạn 2026 - 2030 là 5.000 căn).

Khuyến khích nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ CN&NLĐ trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới. TP sẽ huy động các nguồn lực nhằm tạo quỹ đất sạch để ưu tiên giao cho các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp có nhu cầu đầu tư nhà ở công nhân phục vụ cho doanh nghiệp mình.

Huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư. Đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phục vụ nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn, đồng thời giảm tải cho nguồn lực của Nhà nước, nhất là nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân phải làm bằng được

Trước đó, vào ngày 14.5, tại buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri là công nhân lao động ở TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐTBXH, UBND TP Cần Thơ đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân dứt khoát phải làm và phải làm bằng được. Phải chọn trọng tâm, trọng điểm, làm thí điểm, mở rộng dần, không cầu toàn và nóng vội.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo tháo gỡ về thể chế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; ứng dụng công nghệ số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, thúc đẩy ứng dụng Đề án 06 để tăng cường quản lý dân cư; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược là cải cách, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng.

Chính phủ tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư; đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân; đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch, gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành; tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có ngoại giao kinh tế.

Chính Phủ quyết định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội 4,8%/năm

Mức lãi suất cho vay ưu đãi này được Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2023 đến ngày 31/12/2024.

Trước đó, đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Ngân hàng đồng loạt giảm tiếp lãi suất tiết kiệm sau nghỉ lễ

Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, một số ngân hàng như NamA Bank, KienLongBank và Saigonbank đồng loạt giảm lãi suất huy động.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến tại NamA Bank thay đổi kể từ hôm nay (4/5), theo hướng điều chỉnh giảm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 7-8 tháng cũng giảm 0,1% xuống 8,6%/năm, trong khi các kỳ hạn 9-11 tháng giảm 0,2% xuống 8,4%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được NamA Bank giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13-14 tháng.

Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.

Ngân hàng KienLongBank bắt đầu giảm mạnh 0,2%-0,4% lãi suất các kỳ hạn ngay sau kỳ nghỉ lễ. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% còn 8,1%/năm, kỳ hạn 9 -12 tháng giảm 0,3% còn 8,2%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng giảm 0,4% còn 8%/năm.

Ngân hàng Saigonbank cũng giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay, với mức giảm từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-8 tháng. Lãi suất các kỳ hạn từ 9-11 tháng cũng giảm 0,3%, từ 8% về mức 7,7%/năm.

Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại Saigonbank đang ở mức 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3%. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng giảm về mức 8,6%/năm, đây là kỳ hạn có lãi suất cao nhất đối với tiết kiệm trực tuyến tại Saigonbank. Trong khi lãi suất các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên đều giảm 0,3% về mức 7,6%/năm.

Ngoại trừ các ngân hàng nói trên, lãi suất các ngân hàng còn lại không thay đổi so với trước.

Hiện chỈ có 3 ngân hàng duy trì lãi suất từ 9% ở một số kỳ hạn, gồm HDBank, OCB, và ABBank.




Cần Thơ định vị trí khu hành chính tập trung của thành phố

Khu vực được quy hoạch có diện tích hơn 69ha, gồm khu hành chính tập trung TP, Trung tâm Văn hóa Tây Đô, khu Thương mại dịch vụ đô thị và đất dành cho hạ tầng kỹ thuật.

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỉ lệ chi tiết 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô.

Theo đó, khu vực lập quy hoạch có diện tích hơn 69ha, phía Bắc và phía Tây giáp sông Cần Thơ; phía Đông giáp tim đường Quang Trung; phía Nam giáp tim đường Võ Nguyên Giáp.

Khu vực được quy hoạch có diện tích hơn 69ha, gồm khu hành chính tập trung TP, Trung tâm Văn hóa Tây Đô, khu Thương mại dịch vụ đô thị và đất dành cho hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, có khu hành chính tập trung TP và Trung tâm Văn hóa Tây Đô, bao gồm: hệ thống công sở TP, trụ sở làm việc của các tổ chức chính trị- xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP; các công trình văn hóa; công trình dịch vụ - thương mại gắn với hoạt động khu hành chính - văn hóa...

Cụ thể, khu hành chính tập trung TP có diện tích khoảng 11ha, nằm ở trung tâm khu đất, đáp ứng nhu cầu làm việc của 21 cơ quan, đơn vị. Cạnh đó, bố trí các cụm công trình liên hoàn, kết nối thuận tiện với các dịch vụ cho nhân viên hoạt động.

Khu hành chính tập trung TP được bố trí theo nguyên tắc đảm bảo tính liên hoàn, sự phối hợp thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ. Đồng thời, phù hợp với đặc điểm về số lượng biên chế, người lao động.

“Việc xác định cụ thể sở, ban, ngành trong từng khối nhà sẽ được cân nhắc trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng theo sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền” - Quyết định của UBND TP Cần Thơ nêu.

Khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô với diện tích khoảng 23ha sẽ được bố trí tập trung ở khu vực phía Bắc sông Cần Thơ và khu vực nút giao IC3. Qua đó, phát huy ưu thế cảnh quan từ sông Cần Thơ, tạo không gian đệm kết nối với khu Hành chính tập trung TP.

Ngoài ra, khu thương mại - dịch vụ đô thị khoảng 13 ha cũng sẽ được bố trí dọc theo phần đất giáp đường Quang Trung và đường Võ Nguyên Giáp, hỗ trợ khu Trung tâm Văn hóa Tây Đô.

Sao Mai đăng ký làm khu đô thị gần 1.500 tỷ ở Hậu Giang

Tập đoàn Sao Mai đang muốn thực hiện Dự án Khu đô thị mới 3, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành với diện tích khoảng 24,82 ha.

Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản công bố nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị mới 3, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký là CTCP Tập đoàn Sao Mai.


Dự án Khu đô thị mới 3, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành có diện tích sử dụng đất khoảng 24,82 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở gần16.755 m2, gồm 181 căn nhà ở liền kề cao hai tầng, quy mô dân số 3.300 người.

Đối với các lô đất dự kiến tái định cư cho các hộ dân phải di dời phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án với diện tích khoảng 22.844 m2 (khoảng 238 lô nền). Sau khi đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư bàn giao cho nhà nước để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.440 tỷ đồng; riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 214 tỷ đồng. Về tiến độ, nhà đầu tư sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng trong vòng 36 tháng kể từ ngày nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất. 

Từ đầu năm, Sao Mai đã đăng ký thực hiện hai dự án, gồm khu dân cư 910 tỷ đồng tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá và Khu đô thị mới Phường 4 - Khu 2, TP Sóc Trăng...

Bộ Xây dựng kiểm tra việc bán chênh nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội.

Thời gian gần đây, hàng loạt các dự án nhà ở xã hội xuất hiện tình trạng rao bán suất ngoại giao với giá chênh hàng trăm triệu đồng. 

Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng diễn ra chiều nay (24/4), ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh, tham mưu các quy định xử phạt hành vi vi phạm. 

Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra dự án nhà ở xã hội bán chênh hàng trăm triệu đồng.

Hiện điều kiện, thủ tục mua bán nhà ở xã hội đã quy định rất chặt chẽ. “Trong kế hoạch của Bộ, giữa năm nay sẽ có đợt công tác làm việc với các địa phương trong đó liên quan đến kinh doanh bất động sản. Bộ sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội”, ông Hải nói. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về mua bán nhà ở xã hội. 

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm để thực hiện đúng chính sách. Không để chính sách về nhà ở xã hội bị lợi dụng. Bên cạnh đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xây dựng tạo nguồn cung mới cho thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định. 

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2023, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới; 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Báo cáo cũng cho biết, 397 dự án đang triển khai với quy mô 453.426 căn. Trong đó, đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô 153.426 căn; đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn.

Ngọc Vy - Theo VTC News

Ông trùm nhà xã hội đặt cược vào gói 120.000 tỷ đồng

Địa ốc Hoàng Quân xây dựng chiến lược kinh doanh bám sát mục tiêu sống còn trong năm nay là tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) sáng 22/4, Chủ tịch Trương Anh Tuấn chia sẻ phương án "vượt bão" thời bất động sản đóng băng là chạy nước rút tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Các chiến lược kinh doanh cả ngắn và trung hạn lẫn dài hạn của công ty đều liên quan đến gói tín dụng này.

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, áp dụng từ khi công bố đến hết ngày 30/6. Theo đó, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Ông Tuấn cho hay, rổ hàng của doanh nghiệp đa phần là các dự án nhà ở xã hội đều đã có pháp lý đầy đủ, nhờ đó, HQC và các đơn vị liên kết sẽ được hưởng lợi từ gói tín dụng này. Doanh nghiệp đã làm việc với 5 ngân hàng, hầu hết dự án công ty đầu tư đều được vay vốn, kể cả những dự án đã hoàn thành cũng được tiếp cận tín dụng. Các khách hàng chưa tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng (trước đây) cũng sẽ được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng (sẽ áp dụng giữa năm 2023). "Cái cần vượt qua lúc này là mong thủ tục pháp lý của Nhà nước ngắn gọn, thông thoáng hơn", ông Tuấn nói.

Người đứng đầu HQC cho biết điểm mạnh của doanh nghiệp là sở hữu quỹ đất lớn cùng nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý, nhờ đó đi trước các đơn vị trong ngành 2 năm, vì vậy có lợi thế tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sớm. Đến nay, công ty đã hoàn thành 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và sẽ đề xuất Chính phủ cho phép làm 50.000 căn nữa.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại năm 2022.

Ông Tuấn còn công bố chiến lược bán nhà ở xã hội linh hoạt khi kêu gọi cổ đông giới thiệu khách hàng mua nhà ở xã hội của Hoàng Quân. Theo đó, nếu giao dịch thành công, cổ đông sẽ được nhận hoa hồng bằng 1% giá trị hợp đồng, còn người mua cũng sẽ được giảm 1%, có thể nhận bằng tiền mặt hoặc giảm trực tiếp vào giá bán.

Thừa nhận 8 năm nay HQC đã không đạt kế hoạch kinh doanh, ông Tuấn cho rằng năm 2023 cũng có thể tương tự, thậm chí nếu dựa vào các tiêu chuẩn lập kế hoạch thông thường, công ty có thể lỗ. Tuy nhiên, nhờ vào gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội sắp được triển khai, năm 2023 trở thành một năm rất sáng của HQC với tiềm năng từ thương vụ hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng tại dự án nhà ở xã hội HQC Tây Ninh. Ông ước tính, riêng HQC Tây Ninh có thể đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng.

"Nhờ đó, kế hoạch 2023 là có cơ sở, đây là con số tối thiểu với nguồn vốn hiện tại. Doanh thu và lợi nhuận năm nay chắc chắn cao hơn năm 2022", ông ươc1 tính.

Tuy đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng, Chủ tịch HQC trần tình hiện công ty vẫn gặp không ít thách thức. Đầu tiên là việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng đòi hỏi rất nhiều thủ tục từ cả công ty mẹ lẫn công ty thành viên phải chạy nước rút. Kế đến là biên lợi nhuận phát triển nhà ở xã hội khá thấp, chỉ khoảng 10% do giá bán các dự án đã được cố định từ trước trong khi chi phí bán hàng, chi phí vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Ngoài ra các khó khăn hiện hữu là nợ thuế, thị giá cổ phiếu quá thấp dưới mệnh giá.

Ông Tuấn nhận lỗi còn nợ cổ đông vấn đề thị giá cổ phiếu thấp và cổ tức. Theo ông, giá cổ phiếu HQC đang rẻ hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, với gói 120.000 tỷ đồng, HQC sẽ có dòng tiền mạnh giúp công ty thu hồi vốn đầu tư. Do đó, sang năm, giá trị sổ sách chắc chắn sẽ tăng, giúp cổ phiếu về mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần.

Năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế năm 2023 đạt lần lượt 1.700 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, gấp 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022. Dự báo thị trường bất động sản vẫn đầy khó khăn nhưng nhờ các chính sách ủng hộ phát triển nhà ở xã hội (gói 120.000 tỷ đồng) giúp doanh nghiệp dự phóng mục tiêu kinh doanh tích cực với thế mạnh có sẵn về phân khúc sở trường nhà giá thấp. Công ty dự kiến chú trọng đẩy mạnh tìm kiếm thêm dự án mới, tiếp tục phát triển và hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công dân đang triển khai.

Trung Tín

Sau gần 1 năm ‘đóng băng’, nhà đất thổ cư sôi động trở lại

Sau gần 1 năm “đóng băng”, nhà đất thổ cư bắt đầu sôi động trở lại khi khách hàng quan tâm đến phân khúc này và nhiều giao dịch đã được chốt thành công.

Anh Trần Văn Linh, một môi giới nhà đất khu vực quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thông tin, 2 tháng gần đây, thị trường nhà đất thổ cư bắt đầu "ấm" trở lại khi có nhiều khách hàng quan tâm và những sản phẩm tốt, giá hợp lý đều đã có chủ.

Theo anh Linh, cơn sốt trong năm 2021 và 2022 đã đẩy giá đất nền Hà Nội lên quá cao, nhưng sau gần 1 năm “đóng băng”, giá đất đã có sự điều chỉnh, nhiều nhà thổ cư trong ngõ, ngách đã giảm giá 10 - 20% so với thời điểm sốt đất. 

Bên cạnh đó, phân khúc nhà đất thổ cư chủ yếu dành cho người người mua ở thực, nên chỉ cần giá hợp lý, thị trường lúc nào cũng có khách mua.

Anh Linh tiết lộ, trong gần 1 năm qua, anh gần như không bán được sản phẩm nhà đất nào, nhưng tháng 3 vừa qua, anh đã chốt được 3 căn tại khu vực quận Hai Bà Trưng.

Nhà đất thổ cư có dấu hiệu hồi phục khi giá giảm về vùng hợp lý. (Ảnh minh họa)

“Có thể thấy thời gian gần đây, người mua đã bắt đầu quay lại với thị trường. Những căn nhà vị trí ổn, giá mềm thường vừa ra hàng là có khách chốt ngay”, anh Linh chia sẻ.

Còn theo chị Phạm Thị Tân,một môi giới khu vực quận Hoàng Mai, từ khi lãi suất cho vay có xu hướng giảm, nhiều khách hàng đã có nhu cầu mua nhà trở lại.

Từ giữa tháng 3 đến nay, ngày nào chị Tân cũng nhận được hàng chục cuộc điện thoại hỏi mua nhà. Khách chủ yếu quan tâm đến các khu vực như Tân Mai, Đền Lừ…vì đây là những khu vực sôi động. Ngoài ra, khu vực Lĩnh Nam, Vĩnh Hưng, Thanh Trì…cũng được khách hỏi nhiều vì giá nhà đất khu vực này khá rẻ.

Cũng theo chị Tân, lý do khiến nhà đất thổ cư có giao dịch trở lại là do nhiều chủ nhà hiện đã giảm giá khá sâu. “Gần 2 tháng vừa qua, tôi chốt được khoảng 5 căn nhà cho khách, đa số các căn này đều có giá rẻ, dưới 3 tỷ đồng”, chị Tân nói.

Đơn cử, một căn nhà 48,6m2 (diện tích sử dụng riêng là 37m2 và sân chung là 11,6m2) tại quận Hoàng Mai, Hà Nội hồi giữa tháng 10 được chào bán với giá 3,45 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần, căn nhà này đã được chủ hạ giá 120 triệu đồng, xuống 3,33 tỷ đồng.

Hay một căn nhà khác tại phố Yên Duyên (Hoàng Mai, Hà Nội) có diện tích 30m2 với 4 tầng, 1 tum, 3 phòng ngủ, đầy đủ nội thất được chào bán với giá 3,58 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau đó vài ngày, chủ nhà đã giảm 80 triệu đồng và tặng thêm 2 chỉ vàng cho môi giới để nhanh chóng đẩy hàng. Hiện chủ nhà tiếp tục giảm giá lần thứ ba về mức 3,4 tỷ đồng với lý do đang cần tiền gấp để trả ngân hàng.

Những ngày gần đây, trong một group chuyên về bán nhà đất thổ cư dành cho môi giới tại Hà Nội, các môi giới liên tục thông báo nhiều căn nhà đã nhận cọc của khách, đa số các căn này đều có diện tích nhỏ, giá trên dưới 3 tỷ đồng.

Lý giải về xu hướng này, ông Giang Anh Tuấn - Giám đốc sàn bất động sản Tuấn Anh cho biết, nếu như từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2023, cả tháng sàn của ông chỉ có một, hai giao dịch, thì từ hơn 1 tháng nay, lượng giao dịch đã được cải thiện đáng kể, khi có cả chục sản phẩm được bán thành công.

Theo ông Tuấn, giá nhà đất thổ cư hiện giảm 15% so với lúc sốt đất. Giá giảm, trong khi lãi suất vay mua nhà hiện cũng có xu hướng giảm. Điều này khiến thị trường có giao dịch trở lại.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù có giao dịch nhưng thị trường chưa thực sự sôi động được như giai đoạn đoạn sốt đất. Chỉ những sản phẩm vị trí đẹp hoặc giá hợp lý mới giao dịch nhanh.

“Nhà đất thổ cư có ưu điểm là nguồn khách hàng là người có nhu cầu thực nên dù thị trường chung trầm lắng, phân khúc này vẫn có giao dịch”, ông Tuấn nhận định.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội cũng nhận định đất thổ cư là phân khúc vừa tiền và chưa bao giờ hết “nóng”, nó không chỉ vừa túi tiền mà sản phẩm này luôn trong tình trạng hàng không có sẵn và người bán hầu như ít sử dụng đòn bẩy tài chính.

Ngọc Vy

Xem xét nới lỏng điều kiện cho vay bất động sản trong tháng 4/2023

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu xem xét nới lỏng điều kiện cho vay bất động sản trong tháng 4/2023

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 133 thông tin về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Theo Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33. Đồng thời xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiêu chí đánh giá năng lực khách hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng trước 25/4/2023; chỉ đạo các ngân hàng thương mại căn cứ vào danh mục dự án, đối tượng, điều kiện tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trước thời điểm Luật Đầu tư bãi bỏ hình thức hợp đồng BT.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất…Trong trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn giá đất thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, các chuyên gia tư vấn giá đất thực hiện việc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác, như: Novaland , Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân… yêu cầu hoàn thành trước 20/4/2023.

Đối với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.

Về hoàn thiện hành lang pháp lý gỡ vướng thực hiện dự án bất động sản, Phó Thủ tướng giao các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm sửa đổi, hoặc đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

Lê Sáng

Tin tức